• Trang chủ / Nghiên Cứu Thị Trường / Báo cáo thị…
Báo cáo thị trường logistics Việt Nam 2020

Báo cáo thị trường logistics Việt Nam 2020

Trong những năm gần đây, thương mại quốc tế không ngừng phát triển nhờ xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế giữa các quốc gia ngày càng  sâu và rộng, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng và nền kinh tế nước nhà nói chung. Trong đó đặc biệt phải kể đến dịch vụ hậu cần (logistics) – một lĩnh vực then chốt, đóng một vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế. Dưới đây là báo cáo thị trường logistics Việt Nam 2020 mà ACT Group đã tổng hợp được. Mời quý đọc giả theo dõi. 

Tổng quan báo cáo thị trường logistics Việt Nam 2020

Báo cáo thị trường logistics Việt Nam 2020
Báo cáo thị trường logistics Việt Nam 2020

1. Tình hình kinh tế Việt Nam 2020

Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn của kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng do nhiều yếu tố bất lợi như dịch bệnh Covid-19, thiên tai, căng thẳng thương mại và các vấn đề địa chính trị. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến tháng 9/2020, hầu hết các chỉ số kinh tế chính đều kém khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2019 và mặt bằng chung của 5 năm trở lại đây. Mức tăng trưởng của GDP, chỉ số sản xuất công nghiệp nói chung, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, xuất khẩu và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng đều xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây Đặc biệt, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ (đã loại trừ yếu tố giá) và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan (công bố ngày 12/10/2020), xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 202,57 tỷ USD, tăng nhẹ 4,1% so với 9 tháng năm 2019. Trong đó, trị giá xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI đạt 129,82 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ. Tỷ trọng của khối FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu cũng giảm xuống còn 64%. Điểm sáng của xuất khẩu là khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục ghi nhận tăng trưởng về trị giá xuất khẩu.

Trị giá xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản, thủy sản đều sụt giảm (trừ gạo và sắn). Ở nhóm ngành công nghiệp nhẹ, xuất khẩu dệt may, da giày, túi xách, ví, va li, ô dù giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng nhiều sản phẩm công nghiệp chế tạo khác (máy móc, thiết bị điện tử…) vẫn tăng.

Nhập khẩu hàng hóa các loại trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 186,05 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 103,85 tỷ USD, giảm 4,5%. Nhập khẩu giảm mạnh nhất ở nhóm ô tô, xe máy, phương tiện vận tải phụ tùng và rau quả (do đây thường là các mặt hàng không thiết yếu). Nhóm xăng dầu cũng giảm mạnh về trị giá (41,6%) nhưng chủ yếu do yếu tố giá trong khi lượng nhập giảm nhẹ (9,8%). Nhóm nguyên liệu sản xuất và hàng hóa trung gian cũng chứng kiến sự sụt giảm trong năm nay do hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên mức giảm không lớn. 

2. Hoạt động logistics năm 2020 và xu hướng

– Hoạt động logistics thế giới năm 2020

Năm 2020, lĩnh vực logistics toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và thiếu hụt lao động trong mùa dịch khiến hầu hết hoạt động logistics, có những thời điểm, bị tê liệt. Trong khi đó, một số phân khúc khác như logistics thương mại điện tử lại trở nên quá tải vì số lượng người mua hàng và đơn hàng giao tại nhà tăng đột biến.

So với vận tải hành khách, tác động của Covid-19 đối với vận tải hàng hoá tương đối nhẹ vì các hạn chế về quy định ít nghiêm ngặt hơn. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, đường bộ tiếp tục được lựa chọn là phương thức vận chuyển phù hợp cho các mặt hàng thiết yếu, hỗ trợ cho việc phân phối thực phẩm, thuốc men, và các sản phẩm thiết yếu khác.

Theo Báo cáo Thị trường Logistics Việt Nam, vận tải đường bộ ít chịu tác động của Covid-19 hơn so với đường hàng không và đường thuỷ. Khó khăn đối với hai ngành vận tải này không chỉ do khối lượng thương mại giảm mà còn bởi tình trạng thiếu nhân công và các quy định về hạn chế và cách ly đối với người nhập khẩu tại các nước.

– Triển vọng và các xu hướng chính

Theo dự báo của ResearchAndMarket.com, quy mô thị trường logistics toàn cầu được ước đạt 2.734 tỷ USD vào năm 2020, sau đó tăng 17,6% lên 3.215 tỷ USD vào năm 2021. Theo nghiên cứu thị trường của Technavio, thị trường dịch vụ logistics 3PL của thế giới sẽ tăng khoảng 76,28 tỷ USD trong giai đoạn 2020 – 2024, với mức tăng trưởng trung bình 6%/năm. Thị trường vận tải đa phương thức cũng sẽ tăng trưởng trung bình 7%/năm trong giai đoạn 2020 – 2024, đạt quy mô khoảng 49,84 tỷ USD. 

Để tận dụng tối đa các cơ hội, các nhà cung cấp dịch vụ logistics nên tập trung nhiều hơn vào các phân khúc tăng trưởng nhanh như vận tải đa phương thức, logistics trong thương mại điện tử, logistics chuỗi lạnh,… đồng thời hợp tác chặt chẽ hơn để đảm bảo các mục tiêu về “xanh hoá” theo các quy định, cam kết quốc tế cũng như vì sự phát triển bền vững của chính mình.

3. Cắt giảm chi phí logistics ở Việt Nam 

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% GDP, trong đó chi phí cho vận tải chiếm khoảng 60%, mức chi phí cao so với các nước phát triển. Tỷ lệ chi phí logistics so với GDP của Việt Nam cũng cao hơn Trung Quốc (14,5%) và các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ và Singapore (7,5 – 8,5%).

Một số nguyên nhân có thể kể đến là chi phí phi chính thức của logistics Việt Nam vẫn còn cao trong tổng chi phí vận tải đường bộ, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế giữa vận tải đường biển, đường sắt và đường bộ, vận tải đa phương thức chưa phát triển hiệu quả ở Việt Nam, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý,…

Bên cạnh đó, năng lực của doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế.

Trên đây là báo cáo thị trường logistics Việt Nam 2020. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích.

Những bài viết cùng chuyên mục: