• Trang chủ / Nghiên Cứu Thị Trường / Báo cáo ngành…

Báo cáo ngành viễn thông Việt Nam 2020 và dự báo 2021

Viễn thông là một nhân tố quan trọng trong công cuộc phát triển công nghệ số và hội nhập kinh tế. Ngành viễn thông Việt Nam bao gồm 3 phân nhánh cơ bản sau: dịch vụ viễn thông, thiết bị viễn thông và truyền thông không dây. Dưới đây là báo cáo ngành viễn thông Việt Nam: Tổng quan ngành 2020 – dự báo 2021. 

Bài viết liên quan:

1. Tổng quan báo cáo ngành viễn thông Việt Nam 2020 

Dịch vụ viễn thông đã phát triển mạnh trong thập kỷ qua và thị trường Viễn thông truyền thống những năm gần đây đã trở nên bão hòa. Từ năm 1945 – 1995, chỉ có Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT) là cơ quan duy nhất trên thị trường cung cấp dịch vụ. Đến năm 1995, dưới sức ép phát triển kinh tế, chính phủ mới bắt đầu mở cửa cho sự tham gia của các công ty khác thâm nhập ngành, đánh dấu sự tham gia thị trường của các công ty lớn ngành viễn thông như Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel và Công ty Cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SaigonPostel). Theo báo cáo của WTO, đến năm 2017, toàn ngành có 152 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép, với nguồn nhân lực là 77.205 người. 3 công ty Viettel, VinaPhone và MobiFone nắm giữ hầu hết thị phần. Thị trường ngành dịch vụ Viễn thông Việt Nam tập trung cao độ phản ánh qua chỉ số HHI đạt 3.709,95.

Năm 2019 được ghi nhận là năm tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ gần đây với tổng doanh thu toàn ngành đạt 470.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2018. Tuy nhiên, tỷ trọng doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống chỉ chiếm 28,5% và giảm dần qua các năm. Năm 2019 đạt 125,8 triệu thuê bao di động mặt đất –  lớn hơn so với dân số hiện tại là hơn 96 triệu người, trong đó thị phần của 3 công ty VNPT, Viettel, MobiFone chiếm hơn 97%. Có thể thấy doanh thu của các doanh nghiệp dựa chủ yếu vào loại hình dịch vụ truyền thống, đặc biệt là thoại và SMS, chiếm đến 76,6%. Trong khi đó doanh thu dữ liệu chỉ đạt mức 23,4%, thấp hơn mức trung bình thế giới là 43%. Các doanh nghiệp trong ngành bắt đầu đổi hướng sang lĩnh vực dịch vụ số để có nhiều dư địa phát triển hơn, tuy nhiên cũng nhiều cạnh tranh. Tốc độ tăng trưởng của thị trường điện toán đám mây ước tính là 40%/năm và quy mô của nền kinh tế Internet được đánh giá là 12 tỷ USD.

Hiện nay Việt Nam đã sản xuất được 70% các thiết bị viễn thông, mục tiêu trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất và xuất khẩu tất cả các thiết bị viễn thông.

Mạng 3G được phát triển ở Việt Nam từ 2009, mạng 4G được thử nghiệm ở Việt Nam kể từ năm 2016. Tuy nhiên việc phát triển 3G, 4G của Việt Nam được đánh giá là chậm hơn so với thể giới từ 8 –10 năm. Tính đến năm 2018, Việt Nam có hơn 51 triệu thuê bao 3G và 4G. Tỉ lệ dân số được phủ sóng di động 3G và 4G là 99,7%. Mạng 5G mới được tiến hành thử nghiệm ở Việt Nam từ năm 2019 với các nhà mạng thí điểm là MobiFone, VinaPhone và Viettel nhằm mục đích nâng cao chất lượng băng thông rộng ở Việt Nam.

Tháng 5 năm 2020, Chính phủ ra Nghị quyết 84/NQ-CP, cấp phép thí điểm Mobile money. Đây là một động thái giúp làm giảm thanh toán bằng tiền mặt và mở ra các cơ hội phát triển mới cho nhà mạng di động.

Mặc dù thị trường truyền thống đã bão hòa, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn có tiềm năng khi đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực chưa được phát triển ở Việt Nam do thiếu nguồn lực và công nghệ như: dịch vụ số, cơ sở hạ tầng và dịch vụ giá trị gia tăng nư hệ thống WIFI FREE và hệ thống vệ tinh quỹ đạo. Bên cạnh đó, theo quyết định 26/2019/QĐ-TTg, nhà nước sẽ tiến hành cổ phần hóa một số doanh nghiệp ngành viễn thông như VNPT và MobiFone.

2. Dự báo ngành viễn thông Việt Nam 2021

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, năm vừa qua ngành Viễn thông vẫn phát triển, thậm chí doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2020 tăng trưởng nhẹ (hơn 0.3% so với năm 2019) với 130.280 tỷ đồng đồng doanh thu. Thuê bao băng rộng (cố định và di động) có sự tăng trưởng ấn tượng, bình quân giai đoạn tăng trưởng 15%/năm (băng rộng cố định), 22%/năm (băng rộng di động) và tiếp tục duy trì đà tăng ổn định.

Các doanh nghiệp viễn thông cũng tăng gấp đôi băng thông tất cả các gói cước FTTH với mức giá giữ nguyên trên toàn quốc; tặng dung lượng data cho khách hàng cài đặt ứng dụng Bluezone,… góp phần nâng cao ý thức của người dân và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời phục vụ tốt công tác điều hành chống dịch của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống giao ban trực tuyến giữa Bộ Y tế và các bệnh viện có liên quan.

Việt Nam đã hoàn tất việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) và chính thức hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất góp phần hoàn thành các mục tiêu: Chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số trên phạm vi toàn quốc với gần 100 triệu dân; Giải phóng 112MHz trên băng tần 700MHz là băng tần có độ phủ sóng tốt nhất hiện nay cho thông tin di động 5G toàn quốc; Mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất đến tất cả 63 địa phương trên toàn quốc (tương đương với 80% dân số) xuống đến nhiều huyện, xã, thôn, bản; các Đài Phát thanh truyền hình địa phương đã được tổ chức, sắp xếp theo hướng chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hóa tập trung vào sản xuất nội dung chương trình và thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng.

Các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, MobiFone, VNPT) thử nghiệm thương mại mạng và cung cấp dịch vụ 5G tại một số thành phố lớn như Hà nội, TP. Hồ Chí Minh góp phần vào việc đưa Việt Nam là một trong những nước triển khai 5G sớm nhất trên thế giới.

Trên đây là báo cáo ngành viễn thông Việt Nam: tổng quan 2020 và dự báo năm 2021. Hy vọng bài viết của ACT Group đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích.